Răng sơ sinh ở trẻ nhỏ

Một trong những sự kiện lớn trong năm đầu tiên của một em bé đó chính là việc mọc chiếc răng đầu tiên. Mọc chiếc răng đầu tiên chính là mốc dấu khá quan trọng đối với bé và mang lại niềm vui to lớn và nhiều cảm xúc cho bậc cha mẹ. Tuy nhiên việc một chiếc răng xuất hiện tại thời điểm mới sinh hoặc quá sớm, nó sẽ dẫn đến một loạt các phản ứng hoặc các quan niệm sai lầm. Vấn đề sẽ phức tạp hơn nữa nếu như sự xuất hiện của chiếc răng gây đau đớn cho bé khi bú, hay từ chối bú…Hãy cùng tìm hiểu hiện tượng này là gì? Và cách xử trí trong những trường hợp như thế này.

Răng sơ sinh

Răng sơ sinh là tình trạng răng xuất hiện ngay khi trẻ vừa mới sinh ra hoặc trong vòng một tháng ngay sau sinh.

Tỉ lệ gặp răng sơ sinh là khá hiếm 1:6000 – 1:8000, thường là sự xuất hiện của hai hoặc ba răng (Theo báo cáo của Goncalves 1998). Thường gặp nhất là răng cửa hàm dưới.

  1. Nguyên nhân xuất hiện răng sơ sinh?

Thực tế các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu chính xác nguyên nhân của hiện tượng này là gì. Một số nguyên nhân được kể đến dưới đây:

  • Di truyền: Dường như đây là một yếu tố khá quan trọng, nếu như trẻ có bố hoặc mẹ hoặc cả hai đều mọc răng rất muộn hoặc sớm, thì có tỷ lệ lớn rằng sẽ xuất hiện răng sơ sinh ở trẻ.
  • Rối loạn nội tiết: Đó là do sự bài tiết quá mức của tuyến yên, tuyến giáp hoặc tuyến sinh dục.
  • Nhiễm trùng: Ví dụ xuất hiện răng sơ sinh ở những trẻ bệnh giang mai bẩm sinh hoặc viêm bể thận ở người mẹ trong khi mang thai
  • Một số yếu tố môi trường: Biphenyls Polychlorinated (PCB) và Dibenzofurans dường như làm tăng tỉ lệ xuất hiện các răng sơ sinh.
  • Hầu hết răng sơ sinh thường không liên quan đến tình trạng bệnh hệ thống, tuy nhiên một tỉ lệ rất nhỏ xuất hiện trong một số bệnh hệ thống như: Hội chứng Ellis- van Creveld, hội chứng Hallermann- Streiff, hội chứng Pierre Robin, hội chứng Soto.
  1. Dấu hiệu lâm sàng của răng sơ sinh
Dấu hiệu lâm sàng của răng sơ sinh
Dấu hiệu lâm sàng của răng sơ sinh

Trên lâm sàng, các răng sơ sinh là các răng nhỏ hơn hoặc kích thước bình thường như răng sữa. Có thể thấy sự phát triển chưa hoàn thiện của lớp men và chân răng ngắn. Răng sơ sinh có thể là màu nâu – vàng hoặc trắng đục. Răng sơ sinh gắn với mô mềm ở trên xương ổ răng, đôi khi chỉ dính với niêm mạc, điều đó dẫn đến răng lung lay, lỏng lẻo và có nguy cơ bị nuốt hoặc hít phải.

Chụp xquang răng có thể được chỉ định để chẩn đoán chính xác răng sơ sinh là răng thừa hay răng sữa. Hình ảnh thường thấy đó là lớp men mỏng không vôi hóa và ngà răng, không có tủy răng.

Tuy nhiên, việc chụp xquang đối với trẻ sơ sinh thường rất khó khăn, hơn nữa còn gặp phải sự không đồng ý của cha mẹ. Chính vì vậy chỉ thực sự trong những trường hợp rất khó chẩn đoán mới nên chụp xquang răng sơ sinh.

  1. Chăm sóc và điều trị răng sơ sinh như thế nào?
  • Làm sạch răng sơ sinh bằng cách nhẹ nhàng lau lợi và răng với một miếng gạc (hoặc vải) sạch được tẩm nước muối sinh lý. Kiểm tra lợi và lưỡi của trẻ thường xuyên để đảm bảo răng không gây tổn thương và trở ngại gì.
  • Trường hợp răng gây trở ngại cho việc bú, ăn của bé hoặc gây xước niêm mạc, hoặc lung lay, lỏng lẻo quá có nguy cơ rơi vào đường thở thì chỉ định loại bỏ răng là cần thiết. Việc loại bỏ răng trong trường hợp này khá đơn giản, bố mẹ đưa bé đến phòng khám nha khoa, bác sĩ sẽ bôi tê cho bé trước, sau đó nhổ răng bằng gạc (vì những răng này thường mềm và dính lỏng lẻo với lợi, nên việc nhổ khá đơn giản). Sau nhổ, vệ sinh làm sạch lợi cho bé bình thường.
Răng sơ sinh sau khi đã được nhổ
Răng sơ sinh sau khi đã được nhổ

Tóm lại răng sơ sinh là một hiện tượng hoàn toàn bình thường, không đáng lo ngại nếu bố mẹ có kiến thức đúng đắn. Sự xuất hiện của răng sơ sinh không phải điềm gở hay dấu hiệu gì bất thường. Bố mẹ tránh tin vào những thông tin lệch lạc, dẫn đến việc điều trị không đúng hoặc không cần thiết cho bé.

Chính vì vậy việc chăm sóc cũng như kiểm tra răng miệng cho bé thường xuyên là cần thiết.

Tác giả

Tin cùng danh mục

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *